Mồ côi từ nhỏ, Ni sư Thích Nữ Liên Thanh lớn lên từ cõi Phật. Với mơ ước lớn lao và nghị lực của mình, Ni sư đã tốt nghiệp 3 bằng cử nhân và đang bảo vệ luận án Tiến sĩ Y khoa. Sau khi về làm trụ trì chùa Long Bửu (ấp 1, xã An Phú, TX.Thuận An, Bình Dương), Ni sư Liên Thanh mở một phòng khám từ thiện miễn phí trong chùa phục vụ người nghèo.
Nhắc đến giây phút có mặt trên cõi đời này, sư Thanh nghẹn ngào kể: “Cách đây 40 năm, sau một trận bom trong chiến tranh, Ni sư Huỳnh Liên phát hiện tôi nằm trong lòng thi thể người cha tôi. Ni sư Huỳnh Liên đã chôn cất cho cha tôi và đưa tôi đi tìm người thân. Ni sư mang tôi đi khắp nơi mong tìm được người thân, nhưng không gặp. Với tấm lòng từ bi bác ái, Ni sư Huỳnh Liên đưa tôi về một ngôi chùa tại tỉnh Sóc Trăng nuôi dưỡng, đặt tên cho tôi là Nguyễn Thị Kim Anh. Hiện tôi chỉ nhớ mang máng là quê mình ở Thái Bình, người thân đã thất lạc hết”.
Ni cô Thích Nữ Liên Thanh khám bệnh cho người tàn tật
Sau khi quyết định gắn bó đời mình nơi cửa Phật, Kim Anh được đặt pháp danh là Thích Nữ Liên Thanh. Học xong cấp hai, Ni cô được đưa lên một ngôi chùa ở ngoại thành TPHCM để học cấp ba. Để đến trường, mỗi ngày cô phải đi xe đạp gần 30 cây số với hành trang là mấy cuốn sách cũ, cặp lồng cơm nguội cùng muối vừng… Cực khổ là thế, nhưng năm nào Ni cô Liên Thanh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tốt nghiệp THPT, Ni cô thi vào Trường Phật giáo và trở thành sinh viên của lớp Cao cấp Phật học khóa 1, cơ sở tại TPHCM.
Sau đó, bà tiếp tục thi đậu ngành Xã hội học, Đại học Tổng hợp TPHCM. “Sau khi tốt nghiệp Xã hội học, tôi nhận thấy để giúp đời, giúp người tốt hơn, cần trở thành bác sĩ”. Đậu Đại học Y dược TPHCM, Ni cô trở thành một sinh viên xuất sắc và được nhận học bổng sang Nhật Bản du học. Thế nhưng, mọi người ngỡ ngàng khi cô từ chối đi du học. “Học đâu cũng vậy, chỉ cần mình cố gắng và quyết tâm thì sẽ thành tài thôi. Nếu sang Nhật Bản học, khả năng quay về làm việc giúp cho người dân mình có thể sẽ khó hơn. Họ tài trợ cho mình, học xong mình cũng phải trả công lại cho họ chứ”.
Tuy không sang Nhật Bản học, nhưng cô vẫn thường xuyên nhận được học bổng của một tổ chức của nước bạn. Số tiền đó bà dùng để mua một đồn điền cà phê địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đồn điền này hiện tại là nguồn kinh phí chính để bà hoạt động từ thiện.
Tốt nghiệp Đại học Y dược, đầu năm 1997, Ni cô Liên Thanh được Bệnh viện Chợ Rẫy nhận về khoa Tim mạch, trở thành một trong những gương sáng về chuyên môn và tấm lòng với người bệnh. Tuy nhiên, ước nguyện giúp người đời nhiều hơn vẫn chưa dừng lại ở đó. Nhận lời mời của tỉnh Bình Dương về giúp xây dựng đội ngũ y bác sĩ, bà bất ngờ xin về chùa Long Bửu, với ước mơ thành lập một phòng khám cho người nghèo.
Sau một thời gian đổ sức đổ tiền sửa sang lại chùa, cuối năm 1999, bà trở thành vị trụ trì chùa Long Bửu. Năm 2002, Phòng khám đa khoa từ thiện Long Bửu ra đời, trở thành một điểm tựa sức khỏe cho hàng ngàn người nghèo ở Bình Dương và các tỉnh lân cận. Bệnh nhân tới đây được khám, cấp thuốc và ăn cơm chay miễn phí. Bệnh nhân quá tải khiến bà phải cầu cứu đồng nghiệp ở các bệnh viện TPHCM. “Đội ngũ y bác sĩ ở phòng khám được quy tụ từ mọi bệnh viện. Hễ ai có tâm muốn giúp người thì tới làm việc. Mỗi người tranh thủ một vài giờ là giúp được rồi”, Ni sư cho biết.
Tiếng lành đồn xa, một tổ chức từ thiện có tên Agape Foundation của Thụy Điển đã tài trợ trang thiết bị hiện đại như máy scan, x-quang… trị giá hàng triệu USD cho phòng khám. Đến thời điểm này, Phòng khám đa khoa từ thiện Long Bửu đã có hơn 20 buồng khám và điều trị bệnh. Mỗi ngày có khoảng 20 y bác sĩ, hộ lý ở các bệnh viện lớn khác tình nguyện đến phục vụ cho bệnh nhân nghèo. Họ đều làm việc từ tâm mà không cần một khoản thù lao nào.
Ni sư Thích Nữ Liên Thanh bày tỏ: “Hiện phòng khám quá tải nên tôi mong được nâng cấp phòng khám thành một bệnh viện nhân đạo, có sức chứa khoảng 500 giường bệnh. Bệnh viện sẽ nằm ngay trên phần đất hiện tại của chùa. Hiện tôi đang làm mọi thủ tục để xin giấy phép, chắc lãnh đạo địa phương và nhà nước sẽ ủng hộ”. Lo việc từ thiện nhưng với vị trụ trì, việc học chưa bao giờ là dừng. Hiện bà vẫn đang bảo vệ luận án Tiến sĩ Y khoa chuyên ngành Nội tiết.
Làm việc từ tâm, bao dung nhân ái giúp người đời, Ni sư Thích Nữ Liên Thanh như một bà tiên giữa đời thường. Đúng như tâm sự của bà: “Tôi sinh ra như là để giúp đời, giúp người rồi. Đời sắp đặt tôi là để làm việc thiện rồi, nên cứ theo kịch bản của đời mà làm thôi, không có gì gọi là lớn lao cả”.
CA TP.HCM
https://nigioivietnam.vn/co-tien-o-chua-long-buu/