“Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”

(LV) – Đây là chủ đề của chương trình giao lưu nghệ thuật diễn ra tối 6/11, ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội

Tham dự chương trình có sự góp mặt của lãnh đạo Ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng hàng ngàn tăng ni, phật tử.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Đại lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, Thượng tọa Thích Quảng Tùng –Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau thì sự nghiệp xuyên suốt Phật giáo Việt Nam là hoằng pháp, phát huy tinh thần nhập thế, gắn bó với đạo và đời. Hiện tại và mãi mãi trong tương lai, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đi chung cùng dân tộc, kêu gọi các tăng ni, phật tử sống ích đạo, lợi đời…

Chương trình giao lưu với căc tăng ni, các nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam.

Tại chương trình giao lưu giữa các chức sắc tôn giáo, các nhà nghiên cứu, chúng ta thấy sống lại toàn cảnh bức tranh 2000 tôn giáo đồng hành cùng dân tộc Việt Nam cho đến việc thống nhất 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam 30 năm trước. Chúng ta cũng thấy được vai trò của Phật giáo Việt Nam trong cuộc sống bằng những hình ảnh cảm động về tấm lòng từ thiện xã hội.

Cũng trong đêm giao lưu, khán giả cả nước được nhìn thấy những hình ảnh đau lòng về những mảnh đời cơ nhỡ, những trẻ em bị nhiễm HIV, trẻ mồ côi, khuyết tật… và tất cả những con người này đang được bao bọc bởi tấm lòng tư bi, bác ái của nhà Phật.

Những con người làm nên những câu chuyện tình người ấy là Hòa thượng Tăng Nô – Trụ trì chùa Kh’Leang (Sóc Trăng), Ni sư Đàm Lan – Trụ trì chùa Bồ Đề Hà Nội hay Sư cô Thích Nữ Liên Thanh – Trụ trì chùa Long Bửu (Bình Dương) – người viết nên những câu chuyện cổ tích thời hiện đại.

Tâm sự trong buổi giao lưu, Sư cô Thích Nữ Liên Thanh tâm sự, cô vốn là đứa trẻ mồ côi từ thuở bé, được giáo dục bằng tình yêu thương của Phật pháp, cô thấu hiểu được nỗi thiệt thòi của những đứa trẻ không cha, không mẹ, thấm hiểu được sự từ bi của đạo Phật.

Từ lẽ sống đó, Sư cô đã tìm cho mình hướng đi cứu nhân độ thế bằng con đường đi tu, dùng bàn tay từ bi để xoa dịu nỗi đau của nhân loại. Ngày khoác áo bluse trắng, tối khoác áo nâu, hình ảnh ấy của Sư cô đã trở nên quen thuộc với biết bao người dân nghèo sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương và trong khu vực.

Hay như Ni sư Đàm Lan, mỗi đứa trẻ được chùa Bồ Đề cưu mang, cô đều tự đặt tên cho chúng. Con trai mang họ Cù, con gái mang họ Kiều để sau này dù có đi đâu, chúng luôn nhớ đến nơi đã dưỡng dục cũng như dạy dỗ những đứa trẻ này nên người….

Tại buổi giao lưu, thay mặt Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha chúc mừng những thành tự mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được. Ông Nguyễn Văn Pha tin tưởng với 30 năm thống nhất, trưởng thành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các phong trào đại đoàn kết toàn dân do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động.

Nguồn bài viết: langvietonline.vn

Link: http://langvietonline.vn/ChinhTri-XaHoi/121549/Phat-giao-Viet-Nam-dong-hanh-cung-dan-toc.html
[TheChamp-FB-Comments language="vi_VN"]

About Thanh Lam

Check Also

Bác sĩ, Ni sư Liên Thanh nhập thế cứu người

Cách đây hơn 40 năm về trước, một sư cô đi hành khất, trong lúc …