Tiếng khóc ấy đã làm cho vị sư cô này bất chấp nguy hiểm lao đến cứu đứa bé. Từ một cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, được sự đùm bọc của những vị sư cô trong chùa, cô bé lớn lên và tỏ ra thông minh lạ thường…
Học để phục vụ người nghèo
Mặc dù theo chân thầy hành đạo khắp nơi, việc học hành gặp nhiều cản trở, nhưng cô bé vẫn gắng học và tốt nghiệp bác sĩ khoa tim mạch thuộc vào loại ưu. Bên cạnh đó là 2 bằng thạc sĩ xã hội học và thạc sĩ sử học Phật giáo.
Khi có bằng cấp trong tay, cô lại bỏ phố lên rừng một mình bươn chải, thành lập Phòng khám bệnh đa khoa từ thiện để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo… Vị thầy thuốc ấy là sư cô, bác sĩ Thích Nữ Liên Thanh (tục danh Nguyễn Thị Kim Anh). Hiện là trụ trì chùa Long Bửu và cũng là Giám đốc bệnh viện nhân đạo Long Bửu (thuộc xã An Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương). Người dân trong vùng gọi cô là bác sĩ của người nghèo.
Nhớ lại thời thơ ấu của mình, sư cô Liên Thanh cho biết: Hồi ấy theo thầy hành đạo khắp nơi nên việc học hành chủ yếu là học lỏm những người đi trước. Mãi đến năm thi đậu vào lớp 10 thì thầy mới về nhận chùa trụ yên ở một huyện ngoại thành TP.HCM. Ngày ấy muốn đến trường phải đi xe đạp vượt gần 30 cây số mới đến được. Hành trang mang theo chỉ là mấy cuốn sách cũ, lon gigô cơm nguội cùng muối vừng… Cực khổ là thế, nhưng năm nào Kim Anh cũng đạt học sinh giỏi. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Kim Anh thi đậu vào trường Đại học Y khoa với số điểm rất cao. Những vị đồng môn, sư phụ, những bậc cao hơn trong chùa thấy cô bé siêng năng học hành nên nhiều người âm thầm giúp đỡ… Và sau hơn 7 năm trời miệt mài “kinh sử”, cô tốt nghiệp Đại học y khoa với trình độ chuyên môn là tim mạch. Sau đó cô được nhận về cộng tác ở khoa tim mạch, bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM. Cùng thời điểm này cô tốt nghiệp luôn khoa sử học Phật giáo của Trường Cao cấp Phật học TP.HCM, sau đó học chuyên sâu và có bằng Thạc sĩ sử học Phật giáo.
Chưa yên tâm với những kiến thức của mình vì cho rằng nó chưa giúp được nhiều cho xã hội, nên cô đăng ký học thêm ngành xã hội học và sau 4 năm cô đã có trong tay tấm bằng thạc sĩ loại ưu.
Khi có ba bằng cấp trong tay, nhiều người nghĩ là cô sẽ có vị trí làm việc cao trong xã hội hoặc trong giáo hội… Thế nhưng, đùng một cái, cô xin thầy tổ, cho cô lên vùng sâu, vùng xa lập nghiệp.
Thời điểm những năm 1996 trở đi, lúc bấy giờ tỉnh Bình Dương đang có chính sách trải thảm đỏ mời gọi nhân tài khắp nơi về phục vụ. Sau một thời gian bỏ công tìm hiểu, sư cô liền làm đơn xin gửi chính quyền xin cho mình về ở chùa Long Bửu nằm hẻo lánh bên những cánh rừng cao su. Đây là một ngôi chùa xây dựng khá lâu nhưng thiếu người trông coi nên nó bị xuống cấp. Nhờ duyên lành nên cô được những bậc cao hơn tạo mọi điều kiện.
Cùng lúc này, Bình Dương cũng trên đà phát triển, nhiều khu công nghiệp được quy hoạch xây dựng gần chùa Long Bửu. Theo đà đó, hàng ngàn dân nghèo khắp nơi đổ về làm công nhân trong những khu công nghiệp. Ấp ủ trong lòng đem việc học của mình giúp cho xã hội, nên sẵn dịp này sư cô treo bảng khám bệnh miễn phí cho công nhân.
Từ phòng khám đến bệnh viện nhân đạo
Đúng như những gì mà vị “Sư cô mặt áo blouse trắng này” dự tính, anh chị em công nhân, bà con nghèo đến khám bệnh rất đông. Một mình khám không xuể, nên sư cô phải chạy về TP.HCM nhờ các đồng nghiệp ở bệnh viện Chợ Rẫy lên tiếp sức. Đặt biệt là Ban Giám đốc bệnh viện 175 TP.HCM đã luân phiên cử các bác sĩ xuống đây giúp đỡ và hỗ trợ thông tin cập nhật kiến thức y học để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh.
Nhờ sự đồng cảm vượt cả không gian, thời gian nên nhiều “mạnh thường quân” khắp nơi nghe tiếng tìm đến chùa giúp sức. Từ việc khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo, phòng khám “nâng cấp” phát luôn cả thuốc chữa trị. Một sự đồng cảm kỳ diệu nữa là tổ chức nhân đạo Agape Foundation của Thụy Điển hay tin đã cử người sang tìm hiểu và sau đó gửi hàng chục container chứa hàng trăm trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại như máy scan, x-quang… trị giá hàng triệu USD sang cho phòng khám. Sau khi nghiên cứu và tuyển lựa, sư cô Liên Thanh dành một phần thiết bị y tế tặng cho các bệnh viện khác ở Long An, Bến Tre, Bạc Liêu, Đồng Nai…, những chưa có được những trang thiết bị này.
Hiện nay, Phòng khám Đa khoa Từ thiện Long Bửu có hơn 20 phòng khám và điều trị bệnh, được Sở Y tế Bình Dương cấp giấy phép hoạt động. Trang thiết bị ở đây không thua gì những nơi khác, chỉ khác một điều là khám chữa bệnh không lấy tiền. Mỗi ngày có khoảng 20 y, bác sĩ, hộ lý ở các bệnh viện lớn khác tình nguyện đến phục vụ cho bệnh nhân nghèo.
Song đó, sư cô Liên Thanh còn tổ chức phòng khám cổ truyền để châm cứu, chữa trị vật lý trị liệu cho những bệnh nhân già. Bên cạnh đó là một bếp ăn từ thiện chuyên dành cho những người bệnh phải ăn kiêng (chủ yếu bằng rau quả). Những người phục vụ bếp ăn từ thiện này vốn là những bệnh nhân đã chữa khỏi bệnh xin ở lại phục vụ các bệnh nhân khác.
Bên cạnh việc chữa trị cho bệnh nhân nghèo, hàng tháng sư cô còn tổ chức những đoàn từ thiện đi thăm và phát quà cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, những trẻ mồ côi, người già neo đơn. Chỉ tính riêng trong năm 2007 số tiền làm từ thiện này lên đến hơn cả tỷ đồng do các “mạnh thường quân” đóng góp.
Tiếp xúc với chúng tôi, sư cô Liên Thanh cho biết đang xúc tiến làm thủ tục nâng cấp từ phòng khám lên bệnh viện nhân đạo có sức chứa khoảng 500 giường bệnh trên phần đất hiện tại của chùa. Mọi việc đã chuẩn bị xong, chỉ chờ duyên lành là khởi công xây dựng.
Nguồn bài viết: baoquocte.vn
Link: https://baoquocte.vn/vi-bac-si-cua-benh-nhan-ngheo-7740.html